Đà Lạt thành phố du lịch đói điểm mua sắm

Thiếu địa điểm mua sắm đảm bảo là một trong những lý do khiến thành phố cao nguyên chưa làm hài lòng du khách.

Cindy Banh, một du khách ngoại quốc có nhiều ấn tượng tốt đẹp về thành phố sương mờ của Việt Nam. Từng chu du tại nhiều vùng đất, nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng với cô, Đà Lạt vẫn luôn là thành phố tình yêu đong đầy ký ức ngọt ngào và lãng mạn.

Tương tự, với nhiều người trẻ Việt, du lịch Đà Lạt giống như một cách trốn chạy đô thị ồn ã, tìm về không khí trong lành thuần khiết, với những homestay ngoại ô vắng vẻ, trải nghiệm tại những quán café mộc mạc…

Khung cảnh thiên nhiên mơ mộng, khí hậu mát mẻ quanh năm là những điểm khiến du khách trong và ngoài nước đặc biệt ưu ái thành phố này. Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, chỉ 6 tháng đầu năm, lượng khách đến đây tham quan, nghỉ dưỡng khoảng 3,38 triệu lượt, tăng 9,6% cùng kỳ 2017, lượng khách quốc tế tăng 19,8%. Năm 2018, tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu đón khoảng 6,5 triệu lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, tăng 10,2% so năm 2017.

Những con số trên minh chứng cho tiềm năng phát triển du lịch của thành phố cao nguyên. Song, bên cạnh những ưu điểm làm nức lòng du khách, cũng có không ít nhược điểm khiến Đà Lạt trở thành điểm “một đi không trở lại” của nhiều người. Trong đó, việc thiếu những khu mua sắm uy tín, không gian trải nghiệm ẩm thực đảm bảo… là một phần lý do gây “mất hình tượng” của thành phố ngàn hoa. 

Nhiều người nói Đà Lạt là nơi “chẳng có gì để mua”. Ai đến đây cũng được gợi ý đi chợ Đà Lạt, nhưng chỉ vì nó là một trong vài chợ lớn duy nhất. Hai khu chợ, bên trong chuyên bán các mặt hàng thực phẩm, đồ tiêu dùng, bên ngoài bán hàng lưu niệm, song hầu hết các blogger du lịch đều khuyên nên cân nhắc khi mua hàng và đặc biệt, phải nhớ mặc cả.

Rocco, một du khách từ Ireland nhận xét trên TripAdvisor: “Chúng tôi vào chợ vì tò mò và mong mua được một món đồ tốt tốt một chút. Nhưng không. Quần áo ít lựa chọn, chất vải xấu, còn khu chợ thì quá mức bẩn, rác ở khắp mọi nơi!”

Một địa điểm cũng rất hút khách là chợ đêm Đà Lạt hay chợ Âm Phủ. Mỗi ngày, chợ ghi nhận hàng nghìn du khách đổ về. Song, với nhiều người, những gánh hàng rong bày bán ngay lòng đường, cửa hàng chèo kéo, “chặt chém” khách, đồ ăn mất vệ sinh, xả rác bừa bãi, trộm cắp, ẩu đả… khiến khu chợ sầm uất này có phần trở nên “xấu xí”.

“Rác từ các cửa hàng và khách du lịch xả thẳng xuống lòng đường, chỉ được dọn khi chợ đã vãn. Hàng chục thùng rác tập kết trước tượng đài Phụ nữ Đà Lạt. Quanh đó là các quán nước, quán ăn lề đường tấp nập du khách ra vào”, chị Thu Lan, khách du lịch từ Hà Nội mô tả.

Một số ít cửa hàng tạo cảm giác thoải mái, yên tâm cho du khách khi mua sắm. Những sản phẩm ghi rõ nhà sản xuất, nguồn gốc, hạn sử dụng và niêm yết giá, là cơ sở đáng tin cậy cho nhiều du khách khi mua quà lưu niệm cho người thân, gia đình. Nhưng những cửa hàng này chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Thanh Huệ, một bạn trẻ vừa đi Đà Lạt về nói: “Đến đây để ăn uống hay mua sắm thì không có gì đặc sắc. Nếu muốn mua đặc sản, quà cáp về, hoặc phải đi xa, đến tận vườn để mua, hoặc ghé một vài cửa hàng để chọn lựa”.

Chưa xứng tầm về chất lượng, số lượng cũng chưa đủ để đáp ứng. Trong khi lượng khách du lịch đổ về mỗi năm một đông, nhu cầu mua sắm của người dân địa phương cũng ngày một tăng, cả thành phố chỉ có một siêu thị lớn duy nhất là Big C, cùng Trung tâm thương mại Big C đi kèm với 30 hộ kinh doanh và 31 doanh nghiệp tham gia. Tính trên cả tỉnh Lâm Đồng hiện có 77 chợ, bình quân 6,4 chợ trên một đơn vị cấp huyện và bình quân 0,62 chợ mỗi xã, phường, thị trấn. Chỉ số này thấp hơn so với bình quân các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên và cả nước.

Nói với VnExpress, bà Nguyễn Thị Nguyên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho biết đúng là thành phố đang thiếu các địa chỉ mua sắm, tuy nhiên bức tranh toàn cảnh sẽ sớm thay đổi trong thời gian tới.

“Tại Đà Lạt, một loạt các doanh nghiệp đã có kế hoạch từ tiền khả thi đến bắt tay vào xây dựng nhiều tổ hợp mua sắm kết hợp với khu đô thị mới, siêu thị. Chủ trương của tỉnh là tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp. Chỉ trong khoảng 3 năm tới, bộ mặt thành phố Đà Lạt sẽ đẹp và nhiều tiện ích hơn cho người dân và du khách”, bà cho hay.

Một trong số các dự án đã sớm nắm bắt cơ hội là Đà Lạt Travel Mall. Chủ đầu tư – Trung tâm Nhân ái Đại Hưng Phát cho biết với mục tiêu lấp đầy khoảng trống trên thị trường bán lẻ, dự án đang được cấp tập triển khai với mô hình lần đầu tiên có mặt ở thành phố này.

Tọa lạc trên trục đường chính Phan Chu Trinh, tầm nhìn hướng bên sườn đồi, là cửa ngõ phía Đông thành phố, Đà Lạt travel Mall rộng 5.000m2, với tổng vốn đầu tư hàng trăm tỷ đông. Từ siêu thị, du khách có thể dễ dàng kết nối đến các vị trí trung tâm thành phố Đà Lạt chỉ bằng như: Vườn hoa Thành phố, ga Đà Lạt…

Dự án khi hoàn thành được kỳ vọng là điểm đến không thể bỏ qua của hơn 6 triệu du khách mỗi năm. Chị Linh Chi, một tiểu thương tại chợ Đà Lạt cho rằng, “mô hình khu mua sắm và khách sạn được thiết kế chuyên biệt cho du khách như Đà Lạt Travel Mall nếu vận hành thành công sẽ rất hút khách”.

Đây không chỉ là khu trung tâm thương mại và khách sạn cung cấp không gian ăn uống, shopping, lưu trú… mà còn là không gian giới thiệu về văn hoá và ẩm thực bản địa cho du khách.

Theo giới thiệu của đơn vị phát triển dự án, tầng hầm Đà Lạt Travel Mall là khu food court – “thiên đường ẩm thực” quy tụ những đặc sản Đà Lạt như gà nướng, bánh căn, cơm lam, lẩu atiso giò heo… Ngoài ra, văn hóa ẩm thực ba miền cũng được tái hiện, phục vụ đa dạng nhu cầu của các du khách.

Phía trong là trung tâm triển lãm và giao thương các mặt hàng thủ công mỹ nghệ các làng nghề truyền thống như ngọc trai, đá quý, các mặt hàng gỗ quý, rượu… kết hợp với trang sức, mỹ phẩm hiện đại của các thương hiệu lớn như mắt kính, kim cương, đồng hồ…

Bên ngoài, không gian thao tác làng nghề sẽ tái hiện rõ nét quy trình thực hiện những sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống như làm gốm, dệt vải, làm đồ mỹ nghệ, đan lát… Ở đó, du khách có thể trực tiếp trải nghiệm và tự làm những sản phẩm của riêng mình.

Đây cũng là khu kết hợp văn phòng đại diện du lịch các nước (Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp…) nhằm xúc tiến các hoạt động thương mại, du lịch, trao đổi văn hóa.

Tầng hai là không gian làng nghề truyền thống. Tầng ba, bốn với không gian khách sạn tiêu chuẩn nội thất 3 sao, tầm nhìn hướng ra đồi thông và trung tâm thành phố, khu vực Sky Bar bao quát toàn cảnh hứa hẹn là điểm nhấn thu hút du khách.

Theo đơn vị phát triển dự án Công ty Cổ phần Địa ốc Tiềm Năng DNU, Đà Lạt Travel Mall hiện xây dựng đến tầng bốn và sẽ đưa vào vận hành toàn diện vào quý 2/2019.

Đại diện đơn vị cho hay, hiện công ty đã kết nối với nhiều công ty du lịch Việt Nam và các công ty tại các thị trường lớn như Trung Quốc, Hồng Kong, Hàn Quốc, Nhật Bản, đưa dự án trở thành điểm đến di sản trong hành trình tham quan, du lịch của du khách trong và ngoài nước.

Khi được biết về dự án Trung tâm mua sắm mới dành riêng cho du khách này, chị Thu Lan Hà Nội kỳ vọng dự án sẽ mở ra một hướng đi mới cho ngành du lịch của Đà Lạt.“Tôi đang hình dung một Đà Lạt trầm mặc xen lẫn hiện đại thời gian tới khi ngày càng có nhiều siêu thị, trung tâm thương mại lớn. Tôi sẽ không còn than phiền về rác, về sự nghèo nàn trong dịch vụ, sản phẩm du lịch. Các du khách đến và trở lại sẽ hào hứng kể nhau nghe những đổi thay của thành phố này. Và tôi tin điều đó”, chị Lan bày tỏ.